MÃNG CẦU GAI

 

MÃNG CẦU GAI

I.   Thông tin chung

-          Tên khoa học: Annona muricata

-         Tên thường gọi: Mãng cầu gai, mãng cầu xiêm, sa lê, mãng cầu ta, mãng cầu dai, mác kiếp (Tày), phan lệ chi. …

-         Tên tiếng Anh: soursop, custard apple, sugar apple tree, sweet sop.

-         Tình trạng bảo tồn: Chưa có tên trong sách đỏ.

-         Bảng phân loại khoa học

Giới (Regnum)

Thực vật (Plantae)

Ngành (Division)

Hạt kín (Magnoliophyta)

Lớp (Class)

Hai lá mầm (Magnoliopsida)

Bộ (Ordo)

Mộc lan (Magnoliales)

Họ (Familia)

Na (Annonaceae)

Chi (Genus)

Na (Annona)

Loài (Species)

Mãng cầu gai (Annona muricata)

                        

Quả của mãng cầu gai

II. Nguồn gốc và phân bố

1.    Nguồn gốc tên gọi

Mãng cầu gai giống như quả na nhưng lớn hơn nhiều và mỗi múi thịt quả có 1 gai nhọn bên ngoài vỏ, lúc quả sống gai cứng, quả chín thì gai mềm hơn, do đó quả cố tên là mãng cầu gai.

2.    Khu vực phân bố

-      Trên thế giới: mãng cầu xiêm là cây bản địa của vùng Trung Mỹ như México, Cuba, vùng Caribe, và phía bắc của Nam Mỹ chủ yếu ở Brasil, Colombia, Peru, Ecuador, và Venezuela. Cây cũng được trồng ở Mozambique, Somalia, Uganda. Ngày nay nó cũng được trồng ở một số vùng ở Đông Nam Á, cũng như ở một số đảo Thái Bình Dương.

-    Ở Việt Nam: cây được trồng nhiều ở các tỉnh Nam Bộ và một phần Tây Nguyên.

III. Đặc điểm

-       Thân: Cây gỗ nhỏ cao 2-8 m, thân non màu nâu bạc; thân già màu nâu xám có nhiều lỗ bì nhỏ và sẹo lá lồi to rõ.

-      Lá: đơn, nguyên, mọc cách, phiến lá hình mũi mác, dài 9-13 cm, rộng 3-5 cm, màu xanh đậm mặt trên hơn mặt dưới, mặt dưới có ít lông ở gân lá và nhiều đốm vàng không rõ vách ở phần thịt lá; gân lá hình lông chim nổi rõ mặt dưới, 7-9 cặp gân phụ, các cặp gân phụ mọc đối hoặc không đối nối với nhau ở bìa phiến; cuống lá hình trụ gần tròn, dài 0,8-1 cm, đáy phình to và xanh đậm hơn.

-       Hoa: riêng lẻ mọc đối diện với lá hoặc xim ít hoa ở cành già. Hoa màu xanh, đều, lưỡng tính, mẫu 3; cuống hoa màu xanh, dài 0,8-1,1 cm; lá bắc dạng vẩy tam giác cao 1 mm, màu xanh, tồn tại lâu; đế hoa lồi.

Hoa của mãng cầu gai



-     Quả: các quả dính vào nhau tạo thành một khối hình tim hoặc hình cầu đường kính 7-10 cm, mặt ngoài màu xanh chia nhiều rãnh, thịt quả màu trắng, mềm và ngọt khi chín. Hạt hình bầu dục một đầu thuôn tròn, vỏ hạt màu đen nhẵn bóng, dài 2-3 cm.

IV. Công dụng

1.      Trong y học

1.1.Trong y học hiện đại

Cây mãng cầu xiêm có đặc tính chống vi khuẩn và chống oxy hóa. Điều này đã khiến một số nhà khoa học tìm hiểu về cây mãng cầu xiêm như một lựa chọn điều trị tiềm năng cho một loạt bệnh nghiêm trọng, bao gồm cả ung thư.

Các nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng, chiết xuất từ ​​cây mãng cầu xiêm có ảnh hưởng đến các dòng tế bào của nhiều loại bệnh ung thư. Nghiên cứu này mới chỉ được thực hiện trong phòng thí nghiệm (trong ống nghiệm) và trên động vật. Viện Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh khẳng định rằng không có bằng chứng cho thấy mãng cầu Xiêm có tác dụng chữa bệnh ung thư. Hơn thế nữa, việc dùng nhiều có thể gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh Parkinson do hợp chất annonacin chứa trong hạt của mãng cầu xiêm là một chất độc thần kinh và nó có thể là nguyên nhân gây bệnh thoái hóa thần kinh.

1.2.Trong y học cổ truyền

      Dùng trong trị giun, sốt, tăng sữa cho mẹ sau khi sinh con, làm thuốc cầm tiêu chảy và lỵ ; quả chưa chín trộn với dầu ô liu được dùng chữa đau dây thần kinh, thấp khớp và đau khớp.  Lá của nó được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị nhức đầu, tăng huyết áp, ho và hen suyễn và được sử dụng làm thuốc chống co thắt, an thần và điều hòa thần kinh cho bệnh tim.

2.      Một số lĩnh vực khác

Quả làm thực phẩm vì quả chứa nhiều vitamin C, vitamin B1 và vitamin B2. Một số nước còn dùng quả làm kẹo, bia, …

Thân và lá còn được phơi khô để làm trà uống.

V.    Nguồn tài liệu tham khảo

 Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam, Tập I, II, Nhà xuất bản y học, Hà Nội, tr 227-230.

Mới hơn Cũ hơn

Mã QR cho bài viết này