ĐINH LĂNG

 

ĐINH LĂNG



I.              Thông tin chung

-         Tên khoa học: Polyscias fruticosa (L.) Harms 

-         Tên thường gọi: Đinh lăng, gỏi cá, nam dương sâm,…

-         Tên tiếng Anh: Ming Aralia

-         Tình trạng bảo tồn: Chưa có tên trong sách đỏ.

-         Bảng phân loại khoa học:

Giới (Regnum)

Thực vật (Plantae)

Ngành (Division)

Hạt kín (Magnoliophyta)

Lớp (Class)

Hai lá mầm (Magnoliopsida)

Bộ (Ordo)

Hoa tán (Apiales)

Họ (Familia)

Ngũ gia bì (Araliaceae)

Chi (Genus)

Đinh lăng (Polyscias)

Loài (Species)

Đinh lăng (Polyscias fruticosa (L.) Harms)

Cây đinh lăng trong KDLST Hương Tràm


II.           Nguồn gốc và phân bố

1.    Nguồn gốc

 

2.    Khu vực phân bố

-         Trên thế giới: đinh lăng có nguồn gốc ở vùng đảo Polynesia ở Thái Bình Dương, cây được trồng ở Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào…

-         Ở Việt Nam, đinh lăng đã có từ lâu trong nhân dân và được trồng trên khắp nước phổ biến ở vườn gia đình, trong đình chùa, trạm xá, bệnh viện. . .

III.        Đặc điểm

-         Thân: Cây bụi cao 0,5-2 m, thân tròn sần sùi không gai, mang nhiều vết sẹo lồi to màu nâu xám do lá rụng để lại. Nhánh cây rộng với lá màu xanh bóng tập trung gần đầu ngọn cành

-         Lá: mọc cách, kép lông chim 2-3 lần, dài 20-40 cm. Lá chét chia thùy nhọn không đều, màu xanh, bóng mặt dưới nhiều hơn, gốc lá và phiến lá thuôn nhọn dài 3-5 cm, rộng 0,5-1,5 cm; gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ, 3-4 cặp gân phụ. Cuống lá dài, tròn, màu xanh sậm, có những đốm xanh nhạt trên cuống, đáy cuống phình to thành bẹ lá. Lá kèm dạng phiến mỏng dính hai bên bẹ lá.

-         Hoa: Cụm hoa tán tụ thành chùm ở ngọn cành, màu trắng hoặc tím nhạt. Hoa nhỏ, đều, lưỡng tính. Cuống hoa hình trụ, màu xanh, dài 0,3-0,4 cm. Lá bắc tập hợp ở gốc cuống hoa (tổng bao lá bắc), hình tam giác nhọn. Bao hoa: đài hoa thu hẹp chỉ còn 5 răng, đều, rời, dạng vảy màu xanh.

-         Quả: hạch hình bầu dục mang trên đỉnh quả vòi nhụy tồn tại mọc choãi ra và đài tồn tại, vỏ quả màu xanh đậm có những nốt tròn màu xanh nhạt hơn, dài 4-6 mm, rộng 3-4 mm.

Hoa và quả Đinh lăng 
(Nguồn: Phunutoday)

IV.         Công dụng

1.  Trong y học

1.1.        Trong y học hiện đại

-           Trong đinh lăng có các alcaloid, glucozid, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B1 các axit amin trong đó có lyzin, xystein, và methionin là những axit amin không thể thay thế

-           Vỏ rễ và lá đinh lăng chứa saponin, alcoloid, các vitamin B1, B2, B6, vitamin C, 20 acid amin, glycocid, alcaloid, phytosterol, tanin, acid hữu cơ, tinh dầu, nhiều nguyên tố vi lượng và 21,10% đường. Trong lá còn có saponin triterpen (1,65%), một genin đã xác định được là acid oleanolic.

-           Các khoa dược lý, dược liệu và giải phẫu bệnh lý Viện y học quân sự Việt Nam vào năm 1961 đã nghiên cứu tác dụng của đinh lăng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể và một số tác dụng khác đã đưa ra các kết luận như sau:

+ Nước sắc rễ đinh lăng có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể trên thí nghiệm cấp tính tương tự như nhân sâm.

+ Thí nghiệm trên thỏ, chuột, đã đưa ra thêm một số công dụng của loài cây này như: làm giảm hoạt động ở chuột, làm tim ếch giảm co bóp tiến tới ngừng đập, hạ huyết áp, tăng co bóp tử cung nhẹ, tăng bài tiết; làm tăng sức đề kháng của chuột đối với tác hại của bức xạ siêu cao, kéo dài thời gian sống của chuột hơn so với một số thuốc từ cây khác, tác dụng này có thể là do tính chất bổ chung nhưng còn có thể do cơ chế điều nhiệt của đinh lăng. Theo quan sát, Ngô Ứng Long và Xavaev (Liên Xô cũ) đã cùng nhận thấy đinh lăng có tác dụng tốt đối các nhà du hành vũ trụ khi luyện tập trong tư thế tĩnh, đầu dốc ngược. Thực nghiệm trên người, viên bột rễ đinh lăng làm tăng khả năng chịu đựng của bộ đội, vận động viên thể dục, thể thao trong các nghiệm pháp gắng sức cũng như luyện tập. Ngoài ra, tác dụng kích thích miễn dịch không đặc hiệu trong thí nghiệm gây mẫn cảm chuột nhắt bằng hồng cầu cừu. Đinh lăng còn có tác dụng giảm chứng tăng cholesterol trong máu gây theo cơ chế nội sinh.

- Dịch chiết đinh lăng còn được thử tác dụng đối với ATPase màng tế bào, và thấy K+, Na+, ATPase đều được kích thích bởi dịch chiết thân, rễ và lá của cây. Đối với ATPase dạng hoà tan, kết quả tương tự như ATPase của màng tế bào. Sự kích thích hoạt tính men của dịch chiết đinh lăng có khả năng đối kháng sự kìm hãm K+, Na+, ATPase của aminazin. Đinh lăng còn có tác dụng kích thích sinh dục ở động vật già và kích thích tăng sinh lực ở động vật gây mệt mỏi, tác dụng kéo dài và bền vững.

1.2.        Trong y học cổ truyền

-  Rễ đinh lăng có vị ngọt, tính bình, lá nhạt, hơi đắng, tính bình, dược liệu có tác dụng bổ 5 tạng, tiêu thực, tiêu sưng viêm, giải độc, bổ huyết, tăng sữa.

-  Nước sắc đinh lăng có tác dụng kháng với trùng roi Euglena viridis, trùng tiêm mao Paramoecium caudatum và một số động vật nguyên sinh khác trong nước ngâm rơm và nước ao. Do đó, theo kinh nghiệm dân gian, đinh lăng được áp dụng điều trị bệnh nhân lỵ amip cấp. Sau 10 ngày hết triệu chứng lâm sàng, và sau 16 ngày xét nghiệm lại, trong phân hết thể amip thực huyết, hết kén.

-  Nước sắc đinh lăng còn có tác dụng chống choáng phản vệ ở mức độ vừa, bảo vệ được 60% chuột lang qua cơn choáng.

2.  Một số lĩnh vực khác

    Rất nhiều nơi trồng đinh lăng để làm cảnh và làm rau ăn.

V. Nguồn tài liệu tham khảo

Nhận thức cây thuốc và dược liệu.

Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1.

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1.

Mới hơn Cũ hơn

Mã QR cho bài viết này